Bộ máy cầm quyền Đế_quốc_Aztec

Đế quốc Aztec là một đế quốc cai trị gián tiếp. Giống như nhiều đế quốc khác, thành phần sắc tộc rất đa dạng, nhưng không giống như hầu hết các đế quốc khác, hình thức cai trị dựa trên cống nạp nhiều hơn là tập trung. Trong khuôn khổ lý thuyết về hệ thống đế quốc do nhà sử học người Mỹ Alexander J. Motyl đặt ra, đế quốc Aztec thuộc loại không chính thức vì Tam Đồng Minh không hoàn toàn kiểm soát các tỉnh lị địa phương.[41] Đế quốc cũng không có tính liên tục về mặt lãnh thổ, tức là không phải tất cả các lãnh thổ của nó đều được kết nối bằng đường bộ. Ví dụ, các khu vực ngoại vi phía nam của Xoconochco không kết nối với trung tâm đế quốc. Bản chất bá quyền thực sự của đế quốc Aztec có thể nhìn thấy mỗi khi nó đánh chiếm một thành phố nào đó. Vua thành đó sẽ được khôi phục tước vị và đế quốc sẽ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nơi đó với điều kiện là họ phải nộp cống phẩm thường xuyên.[42]

Mặc dù hình thức chính phủ thường được gọi là một đế chế, trên thực tế, hầu hết các khu vực trong đế quốc được tổ chức thành các thành bang (được gọi là altepetl theo tiếng Nahuatl, ngôn ngữ của người Aztec). Đây là những tiểu chính thể được cai trị bởi một vị vua hoặc tlatoani (nghĩa đen là "diễn giả", số nhiều tlatoque) của một triều đại quý tộc. Sau khi đế quốc được thành lập vào năm 1428 và bắt đầu mở mang bờ cõi, altepetl vẫn là hình thức tổ chức thống trị ở cấp địa phương. Vai trò hiệu quả của altepetl với tư cách là đơn vị hành chính địa phương đã tỏ ra rất thành công.[43]

Cần nhớ rằng thuật ngữ "đế quốc Aztec" là thuật ngữ hiện đại, không được người Aztec sử dụng. Cốt lõi của chính thể Aztec bao gồm ba thành bang nói tiếng Nahuatl ở Thung lũng Mexico. Tenochtitlan dần dần kiểm soát hoàn toàn đế quốc. "Liên minh ba bên" thiết lập quyền bá chủ với phần lớn Trung Bộ Mỹ, bao gồm các khu vực có sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa. Bộ máy cai trị dựa trên cống nạp chứ không kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, theo thời gian, một cái gì đó giống bộ máy quan liêu non trẻ đã bắt đầu hình thành khi nhà nước trở nên tập trung hơn.

Chính quyền trung ương

Một tlacochcalcatl trong Thủ bản Mendoza

Trước đời Nezahualcoyotl (1429-1472), đế quốc Aztec hoạt động như một liên hiệp giữa các thành bang. Các tlatoani (diễn giả) cai trị các altepetl. tlatoani đứng trên trưởng làng, trưởng làng giám sát các hộ gia đình. Một liên minh Trung Bộ Mỹ điển hình sẽ đặt một Huey Tlatoani (diễn giả lớn) kiểm soát nhiều altepetl. Sau đời Nezahualcoyotl, đế quốc Aztec phát triển theo một lối khác, các tlatoan đã thần phục sẽ bị thay thế bởi các calpixque, được giao nhiệm vụ đi thu thập cống phẩm thay vì thay thế tlatoque cũ bằng quý tộc địa phương.[44]

Tuy nhiên, Huey tlatoani không phải là người điều hành duy nhất. Trách nhiệm của Huey tlatoani là giải quyết các vấn đề bên ngoài của đế quốc; nghĩa là việc quản lý cống nạp, chiến tranh, ngoại giao và bành trướng đều phải qua xem xét của Huey tlatoani. Cihuacoatl mới có vai trò cai quản một thành phố nhất định. Cihuacoatl luôn là người thân của Huey tlatoani; Tlacaelel, chẳng hạn, là anh trai của Moctezuma I. Cả hai danh hiệu "Cihuacoatl" (có nghĩa là "con rắn cái"-tên của một vị thần Nahua) và vai trò của vị trí này có phần giống với chức Phó vương hoặc Thủ tướng ở châu Âu, phản ánh bản chất nhị nguyên của quan niệm vũ trụ học Nahua. Cihuacoatl và Huetlatoani đều không phải là linh mục, nhưng cả hai đều có những trọng trách nghi lễ quan trọng. Cihuacoatl liên kết với mùa mưa "đàn bà", Huetlatoani liên kết với mùa khô "đàn ông". Mặc dù vị thế của Cihuacoatl được thể hiện rõ nhất ở Tenochtitlan, nVị trí này cũng tồn tại các altepetl Atzcapotzalco, Culhuacan và đồng minh Texcoco của Tenochtitlan. Mặc dù vị trí này không quá nổi bật, một Cihuacoatl có thể rất ảnh hưởng và quyền lực, như trong trường hợp của Tlacaelel.[45][46]

Lần đầu tiên trong lịch sử của đế chế, Tenochtitlan đã phát triển một Hội đồng cố vấn và quân sự gồm bốn thành viên hỗ trợ Huey tlatoani trong việc ra quyết định: tlacochcalcatl; tlaccatecatl; ezhuahuacatl;[47] và tlillancalqui. Không chỉ được lập ra vì mục đích khuyên đe mà còn là để ngăn cản tham vọng của giới quý tộc, Huey Tlatoani do vậy chỉ có thể được chọn bởi Hội đồng. Hơn nữa, hành động của bất kỳ một thành viên nào trong Hội đồng có thể dễ dàng bị phủ quyết bởi ba người còn lại, thành lập một hệ thống thẩm định tham vọng của các quan chức cấp cao. Bốn thành viên Hội đồng này cũng là tướng lĩnh, thành viên của các hội quân sự khác nhau. Cấp bậc của các thành viên không ngang nhau, tlacochcalcatl và tlaccatecatl có địa vị cao hơn những người khác. Hai thành viên này thuộc hai hội quân sự uy tín nhất, cuauhchique ("những kẻ bị cắt xén") và otontin ("Otomi").[48][49]

Chính quyền địa phương

Theo truyền thống, các tỉnh và altepetl được quản lý bởi tlatoani. Khi đế quốc phát triển, hệ thống phát triển hơn nữa và một số tlatoani bị thay thế bởi các quan chức khác. Các quan chức khác có thẩm quyền tương tự như tlatoani. Như đã được đề cập, các chư hầu được bổ nhiệm trực tiếp (calpixqui số ít, calpixque số nhiều) đôi khi được áp đặt lên altepetl thay vì lựa chọn quý tộc địa phương cho vị trí tlatoani. Vào thời cực thịnh của đế quốc, việc tổ chức nhà nước thành các tỉnh nhánh và tỉnh chiến lược đã chứng kiến ​​sự phát triển của hệ thống này. 38 tỉnh nhánh nằm dưới sự giám sát của những người quản lý cấp cao, hay huecalpixque, người có thẩm quyền đối với calpixque cấp thấp hơn. Những calpixque và huecalpixque này về cơ bản là những người quản lý hệ thống cống nạp tỉnh được giám sát và điều phối ở thủ đô tối cao Tenochtitlan; không bởi huetlatoani, mà là một vị trí riêng biệt hoàn toàn: petlacalcatl. Nếu một altepetl quá kháng cự, một thống đốc quân sự, hay cuauhtlatoani, sẽ được cử xuống giám sát thành bang.[50] Đời Moctezuma I, hệ thống calpixque đã được thiết lập, với hai calpixque được chỉ định cho mỗi tỉnh chư hầu. Một người trực thuộc tỉnh đó, giám sát việc thu thập cống phẩm, và người kia ở Tenochtitlan, giám sát việc lưu trữ cống phẩm. Cống phẩm được lây từ giới bình dân gọi là macehualtin và được phân chia cho giới quý tộc, họ là 'vua' (tlatoque), những người cai trị thấp hơn (teteuctin) hoặc quý tộc cấp tỉnh (pipiltin).[51]

Việc lưu trữ cống phẩm được giám sát bởi các quan chức cao và dựa vào sức mạnh cưỡng chế của quân đội Aztec, nhưng cũng dựa trên sự hợp tác của các pipiltin (giới quý tộc địa phương được miễn cống nạp) và tầng lớp thương nhân được gọi là pochteca. Những pochteca này có nhiều cấp bậc khác nhau được thiên vị về các vấn đề trao đổi giao thương hàng hóa và do đó không nhất thiết phải là pipiltin, tuy nhiên họ đóng một vai trò không nhỏ trong cả sự phát triển và quản trị của hệ thống Aztec. Sức mạnh, chính trị và kinh tế của pochteca gắn chặt với sức mạnh chính trị và quân sự của giới quý tộc và nhà nước Aztec. Ngoài việc phục vụ như các nhà ngoại giao (teucnenenque, hoặc "lữ khách của lãnh chúa") và gián điệp trong cuộc dạo đầu chiến tranh, pochteca cấp cao hơn cũng làm thẩm phán ngoài chợ và có các nhóm tự trị nhất định, có được quyền giám sát với đất của chính họ.[52][53]

Hệ thống hành chính

Điều hành & Quân sựHệ thống chư hầuHệ thống tư phápHệ thống địa phương
  • Petlacalcatl, thủ trưởng cống nạp
  • Huecalpixque, giám thị tỉnh cống nạp
  • Calpixque, cặp quản trị viên cống phẩm
  • Tòa án Tối cao
  • Tòa án Đặc biệt
  • Tòa phúc thẩm
  • Tòa Pochteca
    • Quản lí Pochteca
  • Tlatoani, người cai trị thấp hơn của một tỉnh, có thể được thay thế bởi một:
  • Cuauhtlatoani, thống đốc quân sự
  • Thủ trưởng các khu vực Calpōlli
    • Chủ hộ trong các khu vực calpōlli phục vụ sưu dịch

Cơ cấu tỉnh lị

Phân chia các cấp năm 1519 của Đế quốc Aztec

Ban đầu, đế quốc Aztec là một liên minh lỏng lẻo giữa ba thành phố: Tenochtitlan, Texcoco và thành bang trẻ nhất, Tlacopan. Do đó, họ được gọi là 'Liên minh ba bên' hay Tam Đồng Minh. Hình thức chính trị này rất phổ biến ở trung Bộ Mỹ. Tuy nhiên, theo thời gian, Tenochtitlan trỗi dậy và kiểm soát hoàn toàn đế chế, và mặc dù mỗi thành bang đối tác đều chia sẻ chiến lợi phẩm và cống phẩm từ các tỉnh và được cai trị bởi Huetlatoani, Tenochtitlan mới thực sự là kẻ nắm quyền mạnh mẽ nhất, và có ảnh hưởng nhất trong ba thành phố. Nó chính là trung tâm và thủ đô thực tế của đế quốc.[54]

Mặc dù chúng không được người Aztec mô tả theo cách này, nhưng về cơ bản có hai loại tỉnh: Chư hầu và Chiến lược. Các tỉnh chiến lược về cơ bản là các nước phụ thuộc cống nạp hoặc viện trợ cho nhà nước Aztec theo kiểu "thỏa thuận hai bên". Các tỉnh Chư hầu, mặt khác, cung cấp cống nạp thường xuyên cho đế chế; nghĩa vụ đối với các tỉnh này là bắt buộc chứ không phải đồng thuận.[55][56]

Các cấp hành chính của Đế quốc[55][56]
Tam Đồng MinhCác tỉnh
Chữ tượng hình cho Texcoco, Tenochtitlan, và Tlacopan.Tỉnh chư hầuTỉnh chiến lược